Nói đến Trà Cổ, người ta thường nhớ đến là nơi có mũi Sa Vĩ – nơi đặt nét bút đầu tiên vẽ hình Tổ quốc, nơi có bãi biển trữ tình đẹp nhất Việt Nam, nơi có đình Trà Cổ – niềm cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác ca khúc Mái đình làng biển nổi tiếng. Điều đó không sai nhưng sẽ là thiếu nếu như không biết rằng Trà Cổ còn là vùng đất đầy ắp cổ tích – một trong những nơi giàu truyền thống lịch sử văn hoá nhất xứ Đông của tỉnh Quảng Ninh.
CÓ PHẢI “TRÀ CỔ TỔ ĐỒ SƠN”?
Dễ đến mấy năm tôi mới trở lại Trà Cổ. Vẫn những người quen đón tôi với nụ cười hồn hậu và cái bắt tay thật chặt. Khác chăng là con đường liên khu qua đình, trụ sở phường Trà Cổ đã được thảm nhựa phẳng lỳ, không còn “ổ gà” như xưa. Đình Trà Cổ vẫn uy nghi như hơn 550 năm qua nó đã tồn tại. Đúng dịp hội đình Trà Cổ (hay nói đúng hơn cũng là hội làng), lại là cuối tuần nên đường phố nhộn nhịp. Có rất nhiều người là dân gốc Trà Cổ định cư ở nơi khác tìm về quê dịp này. Đơn giản, chỉ là tìm về gặp gỡ người thân, bạn bè và nhất là thắp nén hương thơm tưởng nhớ tổ tiên đã có công khai cơ, mở đất lập nên xứ Trà Cổ tươi đẹp như ngày nay.
Lịch sử hình thành Trà Cổ là một truyền thuyết mang đậm tính nhân văn. Chuyện rằng tổ tiên xưa của người Trà Cổ vốn là ở Đồ Sơn, làm nghề đánh cá. Vào thời Hậu Lê, có 12 gia đình ngư dân từ Đồ Sơn trong một lần đi đánh cá gặp sóng to, gió lớn đã dạt vào nơi này. Không chịu nổi khó khăn, vất vả, 6 gia đình đã quay về quê cũ. 6 gia đình còn lại quyết tâm bám trụ lập làng. Những câu ca vẫn được truyền miệng đến ngày nay như nói lên nỗi cơ cực ban đầu ấy như “Ở đây ăn bổng lộc gì/ Lộc sim thì chát, lộc si thì già” nhưng họ vẫn lạc quan “Ở đây vui thú non tiên/ Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”. Đến nay, người Trà Cổ vẫn truyền câu thành ngữ “Trà Cổ tổ Đồ Sơn” là ý nhắc nhở con cháu rằng người Trà Cổ tổ ở Đồ Sơn. Vậy, có đúng người Trà Cổ có gốc ở Đồ Sơn (Hải Phòng)?
Ông Đoàn Văn Vĩnh bên câu đối “Trà Cổ nguy nhiên kỷ niệm từ” tại gian chính đình Trà Cổ. |
Theo giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND phường Trà Cổ Khổng Thị Duyên, tôi tìm đến ông Đoàn Như Vĩnh, 64 tuổi ở khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, là một trong những người am hiểu nhất lịch sử Trà Cổ. Ông Vĩnh sinh ra ở đây, tới nay đã nhiều đời. Sinh thời, những năm 1940, nhà văn Nguyễn Công Hoan khi ấy là thầy giáo dạy học ở Trà Cổ đã rất thân thiết với gia đình ông (chuyện này tác giả sẽ đề cập đến ở một bài viết khác). Ông Vĩnh bảo, những dấu tích còn lại về câu chuyện tổ tiên người Trà Cổ xưa ở Đồ Sơn khá thuyết phục. Trong đình, ngay gian chính giữa còn đó đôi câu đối “Đồ Sơn ngật nhĩ kinh hương địa/ Trà Cổ nguy nhiên kỷ niệm từ”, nghĩa là Đồ Sơn là đất cố hương, người Trà Cổ làm đình tưởng nhớ (về miền đất quê hương).
Ông Vĩnh cũng phân tích, chứng minh như một nhà nghiên cứu lịch sử thực thụ, đó là tên gọi Trà Cổ là ghép của hai làng Cổ Trai và Trà Phương nổi tiếng của đất Nghi Dương xưa (nay thuộc huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), vốn là đất phát tích của nhà Mạc đầu thế kỷ 16. Những vị tiên công xưa của Trà Cổ đã lấy tên cố hương để đặt cho vùng đất mới. Ông Vĩnh cũng kiến giải, cả một vùng ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh đều là nhà Mạc tạo ảnh hưởng mạnh trong thời kỳ trị vì thiên hạ. Dấu tích nhà Mạc còn lưu lại trên đất Trà Cổ khá nhiều như sông Cầu Voi còn gọi là sông nhà Mạc, bát gốm còn gọi là bát nhà Mạc, nghề làm gốm tại Móng Cái trước đây có lẽ được duy trì từ thuở ấy. Triều đình nhà Nguyễn sau này coi nhà Mạc là ngụy triều nên các sắc phong thành hoàng trong đình không có 6 vị tiên công có công mở đất Trà Cổ, thay vào đó là 5 thành hoàng của quê cũ Đồ Sơn là Linh ứng Quảng trạch Đại vương tôn thần, Ngọc Sơn trấn hải Đại vương tôn thần, Thái uý Lý Thường Kiệt, Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Giác Hải. 6 tiên công có công mở đất chỉ là phối thờ trong đình.
Về truyền thuyết xưa vào dịp hội đình Trà Cổ, người Trà Cổ vẫn dong thuyền về Đồ Sơn để xin, rước chân nhang từ đó về đình, ông Vĩnh bảo từ bé ông cũng nghe các cụ kể lại nhưng cũng chỉ là truyền miệng “ngày xưa…” mà thôi. Thay vào đó, chân hương được xin, rước từ miếu Đôi, thuộc khu Nam Thọ, cách đình Trà Cổ không xa. Đáng chú ý, miếu Đôi thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu mà vùng Đồ Sơn đến Quảng Ninh cũng chính là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu khi ông nổi dậy chống nhà Trịnh. Theo các cụ già truyền lại thì khi Nguyễn Hữu Cầu thất cơ đã về Trà Cổ ở ẩn. Nay trong miếu còn đôi câu đối “Trà loan hải đảo cam tuyền hữu/ Cổ độ cơ tâm võng nguyệt cầu”. Ý là nơi hải đảo này có dòng suối ngọt, (có) bến đò xưa, trăng nhìn trái đất. Cái khéo của đôi câu đối là dóng hai chữ đầu và hai chữ cuối sẽ được “Trà Cổ” và “Hữu Cầu”.
Ngày hội đình Trà Cổ, trong lễ tế thần ở đình và miếu Đôi, bao giờ chủ tế cũng cầu xin thành hoàng phù hộ cho dân làng: Ai đi buôn thì thông thương mãn (đầy) tải – ý nói thuyền đầy hàng hoá; ai làm ruộng thì mưa thuận, gió hoà; ai đánh cá thì cá tôm vào chật đất, đầy bãi. Ông Vĩnh bảo, đó là ba nghề chính của người Trà Cổ xưa, gồm đi buôn, làm ruộng, đánh cá. “Nay thì thêm làm du lịch nữa” – ông Vĩnh tếu.
NHỮNG CỨ LIỆU XA HƠN
Trong ngày chính hội đình Trà Cổ (1-6 âm lịch), tôi để ý đến một đoàn khách khá đặc biệt, đó là đoàn đại biểu đến từ “tam đảo”: Vạn Vĩ, Vu Đầu, Sơn Tâm thuộc thị trấn Giang Bình, huyện Đông Hưng, TP Phòng Thành Cảng, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Thoạt nhìn, họ rất giống người Việt nhưng nhìn kỹ, khoé mắt, lông mày lại rất… Trung Quốc.
Tôi làm quen với một người đàn ông chạc 60 tuổi đứng cuối hàng. Ông trả lời rành rẽ bằng tiếng Việt tên là Lưu Cơ Bình, đến từ tổng Vạn Vĩ. Ông Bình cho biết, tất cả những người trong đoàn chính là hậu duệ của những người Đồ Sơn xưa. Chẳng biết tổ tiên của họ đến đất Trung Quốc từ bao giờ, chỉ biết rằng đã lâu lắm. Người Việt (hay chính xác hơn là người Kinh) hiện ở 3 đảo (“tam đảo”) Vạn Vĩ, Sơn Tâm, Vu Đầu ước có khoảng hơn 10.000 người, là dân tộc thiểu số ít người nhất của Trung Quốc. Tại đây, mọi người đều nói tiếng Việt, nhiều nét sinh hoạt văn hoá như người Việt. Đặc biệt, cũng có đình làng, có tế thần, tế lợn gần giống như hội đình Trà Cổ.
Có lẽ cũng bởi cùng chung gốc tổ tiên Đồ Sơn và hơn hết là tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các địa phương biên giới hai nước, những năm gần đây lễ hội đình Trà Cổ năm nào thành phố Móng Cái cũng mời đoàn đại biểu tam đảo Vạn Vĩ, Sơn Tâm, Vu Đầu sang dự và ngược lại, mỗi khi đến hội đình, “tam đảo” trên cũng mời đoàn đại biểu Móng Cái, Trà Cổ sang dự, giao lưu.
Ông Lưu Cơ Bình (bên trái) cho biết năm sau ông sẽ quay lại lễ hội đình Trà Cổ. |
Đáng chú ý, qua trò chuyện với ông Vĩnh và ông Bình, cả hai khẳng định người Trà Cổ và người “tam đảo” bên Trung Quốc đến nay vẫn giống nhau ở ngôn ngữ nói như gọi lưới kéo giã là “tùng lưới”, con trâu thì gọi “con tâu”, cây tre thì “cây te”, những chữ có dấu hỏi thì đọc thành dấu ngã. Cách phát âm này giống với người Đồ Sơn ngày nay. Chưa hết, xa hơn, ông Vĩnh còn tiết lộ nhạc sĩ Trần Hoàn trong 10 năm làm Giám đốc (đầu tiên) Sở Văn hoá – Thông tin Hải Phòng đã dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và cho rằng người Đồ Sơn chính là gốc miền ven biển Thanh Hoá. Có thành ngữ rằng “Đồ Sơn biết ơn Thanh Hoá”. Cách phát âm và nhiều nét sinh hoạt của người Đồ Sơn mang ảnh hưởng của người miền ven biển Thanh Hoá.
Thời gian cứ trôi và những truyền thuyết cũng ít nhiều bị phôi phai nhưng ông Vĩnh bảo cái gốc, cái căn bản là cội nguồn tổ tiên thì người Trà Cổ và người Việt là “tam đảo” bên Trung Quốc thì vẫn nhớ, lớp sau truyền cho lớp trước. Sợi dây vô hình liên kết nguồn cội chính là sức mạnh để người dân đoàn kết, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp hội đình hằng năm, người Trà Cổ từ khắp nơi lại tụ về, người Việt ở “tam đảo” lại sang. Tất cả đều hướng chung về hai chữ: Tổ tiên.
Đại Dương (baoquangninh.com.vn)